MỤC LỤC
TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU LÀ GÌ?
Truyền thông thương hiệu (Brand Communications) là hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, sản phẩm và dịch vụ của mình đến với khách hàng một cách nhanh chóng và rộng rãi nhất. Bên cạnh đó, đây cũng là phương tiện để doanh nghiệp có thể nhận phản hồi về sản phẩm và dịch vụ của khách hàng, giúp doanh nghiệp luôn có những cải tiến và hoàn thiện sản phẩm để đưa ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất đến với người tiêu dùng.
MỤC ĐÍCH CỦA TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU
Xác lập vị trí dài hạn cho thương hiệu
Với vai trò kết nối giữa thương hiệu và khách hàng, truyền thông thương hiệu là phương tiện trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, mang đến khách hàng những thông tin cần thiết, từ đó, tạo nên quá trình tương tác, nhằm bắt thông tin khách hàng.
Một thương hiệu mạnh được công nhận một phần là nhờ hiệu quả của truyền thông thương hiệu. Kết quả này góp phần định hình thương hiệu, kích cầu sự tăng trưởng lâu dài.
Bước đầu chúng ta nhận thấy, việc đầu tư cho truyền thông thương hiệu cũng chính là đầu tư cho chiến lược dài hạn cho thương hiệu.
Quảng bá, kích cầu tiêu thụ sản phẩm
Truyền thông thương hiệu tốt, đồng nghĩa với việc sản phẩm, dịch vụ đã được xác lập con đường tốt nhất đến với khách hàng.
Như một nhiệm vụ tất yếu, truyền thông thương hiệu không chỉ mang hình ảnh thương hiệu đến với khách hàng, mà đó còn là hành trình tạo ấn tượng và thiết lập niềm tin từ phía khách hàng.
Mỗi khách hàng vẫn luôn có những định hướng mua hàng riêng, nhưng tựu chung lại, họ thường tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng, vì vậy, truyền thông thương hiệu là chất xúc tác cho việc quảng bá, kích cầu tiêu thụ sản phẩm.
Đánh bóng thương hiệu
Truyền thông thương hiệu là quá trình giới thiệu và kết nối thương hiệu đến với khách hàng qua nhiều kênh khác nhau. Quá trình này mang đến cho khách hàng những hình ảnh, thông điệp, hoạt động, sản phẩm của thương hiệu và cũng là quá trình tạo ra ấn tượng, giúp thương hiệu được lan tỏa rộng rãi hơn.
Độ phủ sóng thương hiệu sẽ tùy vào mục đích và đối tượng khách hàng mà thương hiệu hướng đến, nhưng trong bất cứ trường hợp nào, thì đây vẫn là công cụ đánh bóng thương hiệu một cách hiệu quả nhất.
CÁC KÊNH TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU PHỔ BIẾN
Với sự thay đổi liên tục của công nghệ số, truyền thông luôn có những thay đổi tích cực nhằm bắt kịp xu hướng mới nhất. Dưới đây là những phương tiện truyền thông được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến trong những năm gần đây.
Truyền thông Offline:
– Truyền thông miệng: Đây là kênh truyền thông được sử dụng lâu đời, khi các phương tiện truyền thông đại chúng còn chưa phát triển. Truyền thông miệng là quá trình tiếp xúc, trao đổi giữa bên bán và bên mua, trực tiếp tương tác với nhau về sản phẩm. Hình thức này có thể giúp người bán nắm bắt tâm lý của khách hàng một cách dễ dàng, nhưng lại tốn kém chi phí, thời gian, nhân lực và vật lực.
– Các sản phẩm in ấn (standee, pano, áp phích, tờ rơi,…): Đây là kênh truyền thông truyền thống, nhưng vẫn được sử dụng phổ biến hiện nay. Các sản phẩm này thường được đặt ở những nơi công cộng đông người qua lại như: Chợ, siêu thị, bến xe,… và các điểm bán sản phẩm. Hình thức truyền thông này tuy chi phí không cao, nhưng hình ảnh sản phẩm, thương hiệu chỉ được quảng bá trong không gian nhỏ, không lan tỏa rộng rãi.
– Bao bì sản phẩm: Bao bì là một phương tiện hỗ trợ rất nhiều cho truyền thông. Đây là một phương tiện cơ bản nhưng lại là nơi tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên nhất của khách hàng với sản phẩm. Bao bì có thể tạo ấn tượng, hấp dẫn, lôi kéo người dùng tìm hiểu sản phẩm và thương hiệu.
Truyền thông Online:
– Báo chí (Truyền hình, Radio, Báo mạng điện tử, Báo in,…): Báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng là kênh quảng bá truyền thông online được duy trì và phát triển lâu đời nhất. Đây đều là những kênh thông tin chính thống, có thể tiếp cận được đa dạng đối tượng người tiêu dùng (độ tuổi, giới tính, vùng miền,…). Ngày nay, mạng xã hội đang dần chiếm ưu thế đối với người dùng, nhưng báo chí vẫn là một kênh thông tin có độ tin cậy cao, mang lại niềm tin với khách hàng và vẫn là một kênh truyền thông hiệu quả.
– Internet (Google, Youtube,…)
Theo khảo sát, có 3,77 tỷ người sử dụng Internet trên toàn cầu.
Google được xem như là công cụ tìm kiếm lớn nhất hiện nay, vì vậy, các doanh nghiệp lựa chọn đây là nơi để đầu tư một nguồn kinh phí lớn cho việc quảng bá hình ảnh thương hiệu. Thông qua website, google Ads, google shopping, hình ảnh các thương hiệu ngày càng được lan tỏa rộng rãi.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, youtube cũng dần nâng cao vị thế của mình trong vai trò quảng cáo đối với các doanh nghiệp, với các TVC quảng cáo, Banner xuất hiện giữa các video ngày càng nhiều hơn.
– Mạng xã hội (Facebook, Instagram, Tiktok, Zalo,…)
Mạng xã hội là phương tiện thu hút được lượng người dùng đông đảo, có thể truyền tải thông tin đến với các bạn trẻ, là những người thường xuyên tiếp cận với công nghệ và có nhu cầu mua sắm cao. Mạng xã hội không chỉ là nơi để thương hiệu đưa ra hình ảnh của mình, mà còn có khả năng thu nhận lại phản hồi của khách hàng, sự tương tác qua lại cao mang lại những hiệu quả truyền thông nhất định. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều quảng bá hình ảnh của mình thông qua các nền tảng mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook, Instagram và mới đây là Tiktok.
Tuy nhiên, với sự phát triển này, mạng xã hội cũng là môi trường cạnh tranh truyền thông vô cùng khốc liệt khi số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, đông đảo các doanh nghiệp truyền thông trên mạng xã hội để đưa về cho mình những khách hàng tiềm năng nhất.
CÁC BƯỚC TRUYỀN THÔNG THƯƠNG HIỆU HIỆU QUẢ
Lập kế hoạch truyền thông
Lập kế hoạch truyền thông là bước đầu quan trọng, giúp người làm truyền thông xác định rõ mục tiêu và có những định hướng cơ bản cho quá trình truyền thông của mình. Trong quá trình lập kế hoạch truyền thông, chúng ta cần làm rõ những nội dung sau:
– Xác định mục đích truyền thông: Mỗi dự án truyền thông thương hiệu đều mang một mục đích nhất định để dự án có những bước đi đúng đắn. Việc xác định mục đích giúp người làm truyền thông có thể xây dựng mục tiêu, đích đến và vạch ra các bước tiến phù hợp với mục đích đã nêu ra.
– Đối tượng truyền thông: Xác định đối tượng truyền thông là bước chọn lọc, phân loại đối tượng công chúng khách hàng mà thương hiệu hướng đến. Bước này đòi hỏi độ chính xác cao, trực tiếp tác động đến hiệu quả truyền thông.
– Thông điệp truyền thông: Thông điệp của một thương hiệu là điều bạn muốn nói với mọi người, đây sẽ là điểm ấn tượng giúp khách hàng nhớ đến thương hiệu của bạn. Hơn nữa, thông điệp còn là nội dung chủ đề, xuyên suốt trong quá trình truyền thông.
Vinamilk là một thương hiệu sữa nổi tiếng tại Việt Nam trong hơn một thập kỷ vừa qua. Với thông điệp “Vươn cao Việt Nam”, khi nhắc đến Vinamilk, người tiêu dùng luôn nhớ đến với thương hiệu vì tầm vóc Việt, đưa hình ảnh con người Việt Nam ngày càng vươn cao, vươn xa.
– Lựa chọn phương tiện, hình thức truyền thông: Với các kênh truyền thông đã nêu ở trên, doanh nghiệp cần lựa chọn những phương tiện truyền thông phù hợp với thương hiệu, có tiềm năng quảng bá và mang lại hiệu quả cao trong truyền thông thương hiệu.
– Ngân sách chi tiêu: Bên cạnh những nội dung trên, dự toán ngân sách chi tiêu là bước không thể thiếu trong giai đoạn lập kế hoạch. Ngân sách chi tiêu trong truyền thông cần phải tính toán phù hợp với kế hoạch truyền thông đó, giảm thiểu những rủi ro, và mang lại hiệu quả cao trong công việc.
Thực hiện truyền thông theo kế hoạch
Sau khi đã có một kế hoạch truyền thông hoàn chỉnh, quá trình truyền thông sẽ được thực hiện, đưa hình ảnh, sản phẩm đăng tải trên các kênh đã lựa chọn. Quá trình này yêu cầu phải chính xác về mặt thông điệp, hình ảnh, nội dung, thời gian như kế hoạch đã đề ra, bên cạnh đó, đòi hỏi sự linh hoạt của người làm truyền thông, luôn luôn tìm ra những điểm mới của thị trường truyền thông.
Nhận phản hồi và hoàn thiện chiến lược truyền thông
Như đã qua phân tích, bên cạnh việc kết nối doanh nghiệp đến với khách hàng thì truyền thông thương hiệu còn giúp doanh nghiệp nhận được những phản hồi từ khách hàng. Từ những phản hồi đó để doanh nghiệp luôn có những thay đổi tích cực, cải tiến chất lượng để sản phẩm trở nên hoàn hảo nhất đối với khách hàng.
Đánh giá, phân tích hiệu quả của chiến lược truyền thông
Đây là bước cuối cùng của truyền thông thương hiệu, khi đã hoàn thành những bước trên, một bản phân tích đánh giá là phần không thể thiếu. Đánh giá kết quả truyền thông có thể xác định được chiến lược ban đầu đã phù hợp và mang lại hiệu quả truyền thông hay chưa? Từ đó đưa ra những thay đổi tích cực.
Việc đánh giá thường được dựa trên những chỉ số như: Doanh thu, tần suất xuất hiện, tương tác với khách hàng, phản hồi của khách hàng,..
Truyền thông thương hiệu được thực hiện theo các bước hoàn chỉnh mang đến sự chuyên nghiệp, hiệu quả cao và hạn chế những rủi ro trong quá trình truyền thông.Tuy nhiên, truyền thông cũng giống như một con dao hai lưỡi, bên cạnh những hiệu quả mà truyền thông đem đến cho thương hiệu, thì đó cũng có thể là phương tiện nhấn chìm thương hiệu bất cứ lúc nào. Điều này đòi hỏi người làm truyền thông phải có chiến lược đúng đắn, phù hợp với những định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Liên hệ:
YOUR BRAND | Chuyên gia thương hiệu
Hà Nội: 32 Võ Văn Dũng, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa
Hồ Chí Minh: 270 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10
Nghệ An: Tầng 2 chung cư Sài Gòn Sky, P. Đội Cung, TP. Vinh
Hà Tĩnh: 288 Nguyễn Du, Phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh
Tổng đài tư vấn: 1900 2138
Di động: 0916 50 72 27
Email: info@yourbrand.vn
Website: www.yourbrand.vn